Đề bài: Hãy viết một bài văn bàn về trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc
Dàn ý NLXH về trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc
A. Mở bài:
– Dẫn dắt vào vấn đề
– Giới thiệu vấn đề: trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc
– Đặt câu hỏi gợi mở
B. Thân bài
1. Giải thích vấn đề
– Bản sắc văn hóa dân tộc: những nét văn hóa từ lâu đời của dân tộc được truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành những phong tục tập quán, những đặc trưng vùng miền của cả đất nước ta.
– Ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc được biểu hiện ở nhiều phương diện: cách sống, lối sống, quan niệm, suy nghĩ, hoạt động, nói năng, ăn mặc, ứng xử….
2. Giải quyết vấn đề:
– Việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là một phần trách nhiệm của của thế hệ trẻ.
+ Bản sắc văn hoá là di sản quý giá từ cha ông để lại, thể hiện qua ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghệ thuật và truyền thống. Bảo tồn di sản này giúp duy trì những giá trị tinh thần và lịch sử của dân tộc.
+ Văn hoá dân tộc giúp mỗi người hiểu rõ hơn về nguồn gốc và bản thân mình. Điều này tạo nên niềm tự hào dân tộc, gắn kết cộng đồng và tạo nên sự đoàn kết.
+ Mỗi dân tộc có một nền văn hoá riêng biệt, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hoá toàn cầu. Gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc giúp duy trì sự đa dạng này, tránh sự đồng hoá và mất mát văn hoá.
+ Trong bối cảnh toàn cầu hoá, văn hoá dân tộc dễ bị pha loãng và lãng quên. Việc giới trẻ biết gìn giữ và bảo vệ bản sắc văn hoá giúp duy trì sự đặc sắc và độc đáo của dân tộc mình trong một thế giới đa dạng.
+ Không gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc sẽ dẫn đến mất mát lớn về di sản và những giá trị đạo đức của dân tộc
– Dẫn chứng: Trần Đặng Đăng Khoa: Là một nhà thám hiểm và travel blogger, Trần Đặng Đăng Khoa đã thực hiện nhiều chuyến đi vòng quanh thế giới và luôn mang theo lá cờ Việt Nam. Anh chia sẻ về các phong tục, tập quán và cảnh đẹp của Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần giữ gìn và quảng bá văn hoá dân tộc.
3. Bàn luận mở rộng
– Trong xã hội hiện nay, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những thanh niên với lối sống xa rời bản sắc dân tộc. Họ thờ ơ với những giá trị truyền thống ở cả vật chất cũng như tinh thần; và đề cao những giá trị văn hóa du nhập ở nước ngoài qua sự thần tượng, sính ngoại vượt ngưỡng cho phép. Chẳng hạn như việc các bạn trẻ vô tư sử dụng những ngôn từ nước ngoài xen kẽ vào tiếng Việt, tạo nên những cách diễn đạt khó hiểu và ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Họ không hiểu được rằng việc gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi quốc gia. Những hành động đó đã vô tình tác động xấu đến việc duy trì, phát huy nền văn hóa dân tộc.
4. Giải pháp, bài học
– Thế hệ trẻ cần ý thức được vai trò, ý nghĩa của bản sắc dân tộc để nâng cao tinh thần gìn giữ những giá trị tốt đẹp này.
– Đồng thời, cần rèn luyện lối sống, những hành động tích cực phù hợp với những truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc, bảo lưu, phát huy những giá trị riêng đậm đà bản sắc dân tộc.
– Chúng ta còn cần lên án, phê phán những hành vi làm mai một bản sắc dân tộc, và có thái độ đấu tranh mạnh mẽ để bài trừ và tẩy chay những hoạt động văn hóa không lành mạnh đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trong xã hội hiện nay.
C. Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề+ liên hệ bản thân
– Trích dẫn câu nói (nếu có)
Bài mẫu NLXH về trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc
Tuổi trẻ, với sự năng động và tinh thần sáng tạo, đang đứng trước một nhiệm vụ không chỉ quan trọng mà còn thiêng liêng: giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đây không chỉ là việc bảo tồn những giá trị truyền thống từ cha ông, mà còn là cơ hội để thế hệ trẻ khám phá, hiểu biết và gắn kết với nguồn gốc văn hóa, từ đó thể hiện sự tự hào và tôn trọng đối với quê hương, đất nước của mình. Vậy việc bảo tồn, gìn giữ bản hoá dân tộc có ý nghĩa như thế nào và tuổi trẻ cần làm gì để có thể lưu giữ những nét văn hoá đẹp đẽ đó? Bài viết này sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về vấn đề này.
Bản sắc văn hóa dân tộc được hiểu là những nét văn hóa từ lâu đời của dân tộc được truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành những phong tục tập quán, những đặc trưng vùng miền của cả đất nước ta. Ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc được biểu hiện ở nhiều phương diện: cách sống, lối sống, quan niệm, suy nghĩ, hoạt động, nói năng, ăn mặc, ứng xử….
Có thể nói việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là một phần trách nhiệm của của thế hệ trẻ. Bản sắc văn hoá là di sản quý giá từ cha ông để lại, thể hiện qua ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghệ thuật và truyền thống. Bảo tồn di sản này giúp duy trì những giá trị tinh thần và lịch sử của dân tộc. Hơn nữa văn hoá dân tộc giúp mỗi người hiểu rõ hơn về nguồn gốc và bản thân mình. Điều này tạo nên niềm tự hào dân tộc, sự gắn kết cộng đồng và tinh thần đoàn kết dân tộc. Mỗi dân tộc có một nền văn hoá riêng biệt, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hoá toàn cầu. Việc gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc sẽ góp phần làm cho bức tranh văn hoá toàn cầu ngày càng rực rỡ. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, văn hoá dân tộc dễ bị mai một thì việc giới trẻ biết gìn giữ và bảo vệ bản sắc văn hoá giúp duy trì sự đặc sắc và độc đáo của văn hoá dân tộc mình. Và nếu như chúng ta không gìn giữ được bản sắc văn hoá sẽ dẫn đến sự mất mát lớn về di sản và những giá trị đạo đức của dân tộc.
Ngày nay, đa phần các bạn trẻ đều ý thức được nghĩa vụ của mình trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Người trẻ biết đề cao tinh thần đoàn kết dân tộc, tận dụng mọi lợi thế để quảng bá vẻ đẹp của quê hương, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam thân thiện – tài giỏi trong mắt bạn bè quốc tế. Thế hệ trẻ có quan điểm rõ ràng trong việc tiếp thu văn hóa nước ngoài, dựa trên gốc rễ dân tộc mà học tập. Tiêu biểu trong số đó ta không thể không kể đến Trần Đặng Đăng Khoa – một nhà thám hiểm và travel blogger nổi tiếng. Trần Đặng Đăng Khoa đã thực hiện nhiều chuyến đi vòng quanh thế giới và luôn mang theo lá cờ Việt Nam. Anh chia sẻ về các phong tục, tập quán và cảnh đẹp của Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần giữ gìn và quảng bá văn hoá dân tộc. Những việc làm ấy của anh đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá của dân tộc.
Nhưng thật đáng buồn là trong xã hội hiện nay, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những thanh niên với lối sống xa rời bản sắc dân tộc. Họ thờ ơ với những giá trị truyền thống ở cả vật chất cũng như tinh thần; và đề cao những giá trị văn hóa du nhập ở nước ngoài qua sự thần tượng, sính ngoại vượt ngưỡng cho phép. Chẳng hạn như việc các bạn trẻ vô tư sử dụng những ngôn từ nước ngoài xen kẽ vào tiếng Việt, tạo nên những cách diễn đạt khó hiểu và ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Họ không hiểu được rằng việc gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi quốc gia. Những hành động đó đã vô tình tác động xấu đến việc duy trì, phát huy nền văn hóa dân tộc.
Vậy, tuổi trẻ cần có thái độ và hành động ra sao trước vấn đề này? Trước hết thế hệ trẻ chúng ta cần ý thức được vai trò, ý nghĩa của bản sắc dân tộc để nâng cao tinh thần gìn giữ những giá trị tốt đẹp này. Đồng thời, cần rèn luyện lối sống, những hành động tích cực phù hợp với những truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc, bảo lưu, phát huy những giá trị riêng đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta còn cần lên án, phê phán những hành vi làm mai một bản sắc dân tộc, và có thái độ đấu tranh mạnh mẽ để bài trừ và tẩy chay những hoạt động văn hóa không lành mạnh đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trong xã hội hiện nay.
Tóm lại, tuổi trẻ không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại, và vai trò của họ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là không thể thay thế. Bằng lòng yêu quê hương, sự tự hào về văn hoá dân tộc và sự nỗ lực không ngừng, tuổi trẻ sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng văn hoá phong phú và bền vững, mang lại hạnh phúc và thịnh vượng cho đất nước.