Đề bài: Mạng xã hội chỉ mang lại những tiêu cực và phiền toái
NlXH Về ý kiến Mạng xã hội chỉ mang lại những tiêu cực và phiền toái
Gợi ý dàn bài
Mở bài: Nêu được vấn đề nghị luận và bày tỏ ý kiến phản đối cách nhìn nhận về vấn đề.
Những năm gần đây, mạng xã hội (MXH) đã có bước phát triển mạnh mẽ, tác động lớn đến đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. MXH đã trở thành một thuật ngữ phổ biến với những tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Ngày nay, bất kỳ ai chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một máy tính bảng hay máy tính cá nhân có kết nối internet đều có thể tham gia vào MXH. Với nội dung phong phú và cách thức sử dụng dễ dàng, mạng xã hội mang lại rất nhiều tiện ích. Vì thế, không thể cho rằng MXH chỉ mang lại những tiêu cực và phiền toái.
Thân bài:
– Ý 1. Trình bày thực chất của ý kiến, quan niệm đã nêu ra để bàn luận.
+ MXH là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.
+ MXH là tập hợp các mối quan hệ giữa các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức trên môi trường internet. Chính vì thế, MXH có thể coi là một loại hình cộng đồng song mang tính chất ảo, trong đó bao gồm nhiều cộng đồng trực tuyến khác nhau nhằm thỏa mãn các nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người.
+ Một số cộng đồng như Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok… thu hút một số lượng lớn người tham gia, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.
– Ý 2. Phản đối các khía cạnh của ý kiến, quan niệm bằng các lý lẽ, bằng chứng.
+ MXH ngày càng góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và điều hành của Chính phủ. Để xây dựng một chính quyền gần dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, vai trò của MXH đã và đang được các cơ quan, tổ chức nhà nước sử dụng một cách có hiệu quả, giúp thu hẹp khoảng cách với người dân. Ví dụ như tháng 10/2015, Chính phủ đã lập 02 tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia” với kỳ vọng giúp người dân tiếp cận kịp thời các văn bản, quy phạm pháp luật mới ban hành, thông tin thời sự chính trị, kinh tế- xã hội, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, khuyến khích người dân đồng hành cùng chính phủ, góp phần thiết thực định hướng dư luận trên MXH.
+ MXH góp phần tích cực vào sự phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống của con người. MXH đang ngày càng trở thành nơi cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chỉ với một vài thao tác đơn giản, người dùng sẽ luôn nhận được những thông tin cập nhật kịp thời về lĩnh vực, vấn đề mà mình quan tâm theo dõi. Qua đó giúp họ có thể nắm bắt được các xu thế của đời sống phục vụ cho công việc và cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, trên MXH có nhiều trang dạy kỹ năng sống như ngoại ngữ, nấu ăn, sửa chữa, giao tiếp, tâm lý, thể thao… giúp người dùng có những kỹ năng cơ bản cần thiết trong cuộc sống hiện đại mà không cần đến lớp hay đóng học phí.
+ MXH góp phần tích cực vào sự phát triển của văn hóa cộng đồng. Văn hóa MXH là một bộ phận của văn hóa cộng đồng và có ảnh hưởng ngày càng lớn đến văn hóa cộng đồng. Nhờ áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, MXH cho phép người dùng có thể kết nối, tương tác với bạn bè, gia đình, cộng đồng ngày một thuận tiện hơn. Người dùng có thể dễ dàng chia sẽ tình cảm, niềm vui, nỗi buồn… với cộng đồng. Sự tham gia của cá nhân vào các công việc chung của cộng đồng cũng được thúc đẩy. Thực tế từ khi MXH phát triển, công tác xã hội như cứu trợ thiên tai, xóa đói giảm nghèo… có nhiều khởi sắc; các hình thức kinh doanh online trên MXH của cá nhân và doanh nghiệp ngày càng phát triển, mang tính chuyên nghiệp….đóng góp lớn cho phát triển kinh tế xã hội.
+ MXH góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa của Việt Nam. Các MXH, nhất là MXH xuyên quốc gia như Facebook, Youtube… đã tạo ra những cơ hội, khả năng tiếp xúc, giao lưu văn hóa, thúc đẩy xích lại gần nhau, hiểu biết lẫn nhau giữa dân tộc ta với các dân tộc khác trên thế giới. Thông qua MXH, thế giới biết đến Việt Nam hơn như một dân tộc yêu chuộng hòa bình, tôn trọng công lý, năng động với một kho tàng các giá trị văn hóa phong phú, đầy bản sắc.
– Ý 3. Nhận xét những tác động tiêu cực của ý kiến, quan niệm đối với đời sống bằng các lí lẽ, bằng chứng.
Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, việc sử dụng mạng xã hội làm phương tiện kết nối đã và đang trở thành xu thế tất yếu. Hiện nay, tại Việt Nam có 40 triệu người dùng XH, chiếm hơn 40% dân số. Trung bình mỗi ngày người Việt Nam vào MXH hơn 2 giờ. Đối tượng sử dụng mạng internet thường xuyên nhất là nhóm lứa tuổi từ 15 – 40 tuổi. Nhìn chung, họ là những người trẻ, có điều kiện tiếp cận với máy tính và mạng internet, nhanh nhạy trong việc tiếp thu những tiến bộ khoa học công nghệ cũng như những trào lưu mới trên thế giới. Với những tính năng vượt trội, mạng xã hội đã góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống, vì thế, nếu cho rằng MXH chỉ mang lại phiền toái,tiêu cực thật là một quan niệm phiến diện nếu không muốn nói là sai lầm, cực đoan.
Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc thể hiện ý kiến phản đối.
Mạng xã hội đang từng ngày, từng giờ tác động đến cuộc sống mỗi người, có khả năng làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng cũng có thể hủy hoại con người nếu như sử dụng không đúng cách. Vì vậy mỗi người dùng hãy sử dụng mạng xã hội một cách thông minh. Hãy tự quản lý thời gian sử dụng, ứng xử đúng mực, có văn hóa khi giao tiếp trên mạng xã hội, sáng suốt kiểm chứng tính xác thực của những thông tin mà mình quan tâm. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Có như vậy, mạng xã hội mới thực sự trở thành công cụ đắc lực để lan tỏa những điều tốt đẹp trong không gian mạng và trong cuộc sống.
Bài văn mẫu NlXH Về ý kiến Mạng xã hội chỉ mang lại những tiêu cực và phiền toái
Cuộc sống hiện đại đã và đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trong đó mạng xã hội là một trong những phát minh làm thay đổi sâu sắc cách con người giao tiếp, tiếp nhận thông tin và kết nối với thế giới. Chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối mạng, con người có thể hòa mình vào không gian số rộng lớn, trò chuyện, chia sẻ và cập nhật tin tức một cách nhanh chóng. Thế nhưng, vẫn tồn tại quan điểm cho rằng mạng xã hội chỉ mang lại những tiêu cực và phiền toái. Đây là một nhận định mang tính cực đoan, chưa toàn diện, bởi mạng xã hội, bên cạnh những mặt hạn chế, đang góp phần không nhỏ vào nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống cá nhân và cộng đồng.
Không thể phủ nhận rằng mạng xã hội là một sản phẩm kết tinh từ tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại. Nó là nơi hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới có thể tạo lập các trang thông tin cá nhân, chia sẻ hình ảnh, video, trạng thái, và tương tác với nhau thông qua các tính năng như bình luận, nhắn tin hay gọi điện trực tuyến. Những nền tảng quen thuộc như Facebook, TikTok, YouTube hay Zalo đã trở thành cầu nối giữa các cá nhân, tổ chức và thậm chí là giữa chính phủ với người dân. Đây chính là điểm then chốt cho thấy mạng xã hội không chỉ đơn thuần là công cụ giải trí mà còn là một phương tiện truyền thông hiệu quả, hữu ích trên nhiều phương diện của đời sống.
Ngày nay, các cơ quan, tổ chức nhà nước đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ để gần dân, hiểu dân và phục vụ nhân dân tốt hơn. Sự xuất hiện của các kênh thông tin chính thống như “Thông tin Chính phủ” trên Facebook không chỉ giúp người dân nắm bắt nhanh chóng những chính sách mới, mà còn là nơi tiếp nhận ý kiến phản hồi từ quần chúng. Đó là biểu hiện rõ nét của một chính quyền minh bạch, lắng nghe và cải tiến. Nhờ mạng xã hội, khoảng cách giữa người dân và Nhà nước được thu hẹp đáng kể, đồng thời góp phần xây dựng niềm tin trong xã hội.
Không dừng lại ở đó, mạng xã hội còn là kho kiến thức khổng lồ, là nơi giúp con người học hỏi, phát triển bản thân. Với vài thao tác đơn giản, người dùng có thể tiếp cận hàng ngàn bài giảng miễn phí về kỹ năng mềm, học ngoại ngữ, nghệ thuật, nấu ăn, chăm sóc sức khỏe tinh thần… Học không còn bị giới hạn trong bốn bức tường của lớp học, mà trở thành một hoạt động linh hoạt, chủ động và mở rộng không ngừng. Đây chính là cơ hội quý giá để mỗi người hoàn thiện mình, đặc biệt trong bối cảnh nhịp sống hiện đại đòi hỏi con người phải liên tục thích ứng và đổi mới.
Một trong những đóng góp tích cực không thể bỏ qua của mạng xã hội là việc lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp và thúc đẩy tinh thần cộng đồng. Nhờ khả năng kết nối nhanh và rộng, mạng xã hội trở thành công cụ hữu hiệu để tổ chức các chiến dịch thiện nguyện, kêu gọi quyên góp, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt. Đồng thời, đây cũng là mảnh đất màu mỡ để các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ phát triển hoạt động kinh doanh, tạo thêm thu nhập và việc làm. Mạng xã hội, nếu được sử dụng đúng cách, không chỉ giúp cá nhân phát triển mà còn góp phần vào sự chuyển mình tích cực của nền kinh tế và văn hóa cộng đồng.
Ngoài ra, mạng xã hội còn mở rộng cánh cửa hội nhập văn hóa giữa các quốc gia. Thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn qua các trang mạng, những video, hình ảnh giới thiệu văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán của đất nước. Qua đó, tình hữu nghị giữa các dân tộc được củng cố, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người Việt cũng được bồi đắp. Trong kỷ nguyên số, mạng xã hội đã và đang trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa địa phương và thế giới.
Dĩ nhiên, mạng xã hội không hoàn toàn vô hại. Việc sử dụng thiếu kiểm soát, thiếu hiểu biết có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như nghiện mạng, lệch lạc thông tin, xâm phạm quyền riêng tư hoặc lan truyền nội dung độc hại. Nhưng thay vì quy kết mạng xã hội là nguồn gốc của mọi tiêu cực, điều chúng ta cần là học cách làm chủ công cụ này. Giống như con dao sắc – nếu biết sử dụng, nó sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc sống, nhưng nếu lạm dụng hoặc dùng sai cách, nó có thể gây nguy hiểm.
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội là một thực tế không thể đảo ngược. Vấn đề đặt ra không phải là phủ nhận vai trò của nó, mà là học cách thích nghi và sử dụng nó một cách thông minh, nhân văn. Cần lắm một thái độ tỉnh táo, một trách nhiệm rõ ràng trong từng cú nhấp chuột, từng nội dung được chia sẻ. Chỉ khi ấy, mạng xã hội mới thật sự trở thành môi trường tích cực, lành mạnh và phát huy hết tiềm năng vốn có của nó. Việc cho rằng mạng xã hội chỉ mang lại tiêu cực và phiền toái là một cái nhìn thiển cận, bởi thực chất, chính con người mới là yếu tố quyết định mạng xã hội sẽ trở thành công cụ xây dựng hay phá hủy các giá trị tốt đẹp của xã hội hôm nay.