Dẫn chứng

Greenwashing là gì? Dẫn chứng về Greenwashing đưa vào bài NLXH

Ngày càng nhiều doanh nghiệp treo khẩu hiệu “thân thiện với môi trường”, “bền vững”, “xanh hoá quy trình” – nhưng liệu tất cả có thật sự đang hành động vì môi trường, hay chỉ đang lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng để tô vẽ hình ảnh? Trong kỷ nguyên mà công chúng ngày càng đề cao trách nhiệm sinh thái và đạo đức tiêu dùng, greenwashing – hay “tẩy xanh” – đã và đang trở thành một hiện tượng vừa phổ biến, vừa tinh vi.

Greenwashing là gì?

Thuật ngữ “Greenwashing” là sự kết hợp giữa từ “green” (xanh – mang hàm nghĩa bảo vệ môi trường) và “whitewashing” (tẩy trắng – hành vi che đậy hoặc làm sai lệch sự thật). Nó chỉ hành vi các tổ chức cố tình đánh bóng hình ảnh sinh thái qua ngôn từ mơ hồ, chứng nhận không kiểm chứng hay hình ảnh gây hiểu lầm, trong khi thực tế vẫn phát thải lớn, khai thác tài nguyên cạn kiệt hay vi phạm đạo đức chuỗi cung ứng. Về bản chất, greenwashing là hành vi thao túng nhận thức công chúng, gây tổn hại trực tiếp đến niềm tin xã hội và làm lu mờ các nỗ lực xanh chân chính.

Ngược dòng lịch sử, có thể thấy greenwashing không phải là một hiện tượng mới, khi bản thân thuật ngữ này đã được sử dụng lần đầu tiên bởi nhà môi trường học Jay Westerveld vào năm 1980. Ông đã chỉ trích các khách sạn dùng chiêu bài bảo vệ môi trường để thuyết phục khách hàng tái sử dụng khăn tắm, nhưng lại không thực hiện bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm lượng tiêu thụ năng lượng hay chất thải. Kể từ đó, những thương hiệu thời trang nhanh tự xưng là “eco-friendly” (thân thiện với môi trường) đến các tập đoàn năng lượng vẽ nên viễn cảnh phát triển bền vững mà không có hành động thực chất nào.

Dẫn chứng về Greenwashing đưa vào bài NLXH

1/ Điển hình như tập đoàn năng lượng đa quốc gia Chevron, trong những năm 1980, họ đã thực hiện chiến dịch “People Do”, chi hàng triệu đô la cho các quảng cáo in ấn và video nhằm thể hiện hình ảnh thân thiện với môi trường, mặc dù thực tế sau này họ vẫn tiếp tục các hoạt động gây ô nhiễm môi trường như: Vụ tràn dầu tại khu bảo tồn quốc gia Refugio (California) năm 2015 – do một công ty thuộc Chevron quản lý – đã làm rò rỉ hơn 400.000 lít dầu ra đại dương, hay trong báo cáo của Environmental Integrity Project cũng cho thấy Chevron đã xả thải hơn 2 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm tại các cơ sở lọc dầu ở Mỹ.

2/ Điển hình như việc những ông lớn như Coca Cola trong những năm gần đây cũng dính nhiều nghi vấn về việc “tẩy xanh” trong hoạt động của mình. Vào năm 2020, Coca-Cola được Break Free From Plastic, một chiến dịch toàn cầu phát hiện là công ty gây ô nhiễm nhựa số một thế giới. Dựa trên dữ liệu từ chương trình theo dõi rác thải nhựa kéo dài 5 năm tại 84 quốc gia trên thế giới, nghiên cứu chỉ ra Công ty Coca Cola của Mỹ là nhà sản xuất gây ô nhiễm nhựa lớn nhất, chiếm 11% tổng ô nhiễm nhựa toàn cầu. Bất chấp các sáng kiến ​​tái chế của mình, công ty vẫn sản xuất hơn 100 tỷ chai nhựa mỗi năm.

3/ H&M đã vấp phải những cáo buộc của cơ quan tiêu dùng Na Uy về việc hãng này không thể đưa ra các bằng chứng chứng minh được các tuyên bố của họ về tính bền vững của hoạt động kinh doanh và đặc biệt là bộ sưu tập Conscious Collection của H&M
⁉️ Vấn đề của H&M
👉Đi vào các trường hợp cụ thể, người sử dụng cần xem xét kỹ những thông tin, con số và dữ liệu được nhà sản xuất cung cấp để đánh giá xem sản phẩm họ cung cấp có thực sự “xanh” như được quảng cáo. Với ngành may mặc, những thương hiệu thực sự ưu tiên tính bền vững sẽ chia sẻ minh bạch các thông tin về nguyên vật liệu, nhà cung cấp, cơ sở sản xuất trên trang web. Điều quan trọng là cần tìm hiểu sâu và kỹ lưỡng, ví dụ như bông được trồng ở đâu hoặc nơi sản xuất những chi tiết nhỏ như khuy hay khóa kéo.
👉Trong trường hợp của H&M, cơ quan tiêu dùng của Na Uy lo ngại rằng H&M có thể không đưa ra được những tuyên bố của họ về tính bền vững của hoạt động kinh doanh và đặc biệt là bộ sưu tập Conscious Collection của H&M.
👉H&M giải thích lý do tại sao các sản phẩm này là “ý thức” và “bền vững”, dẫn chứng duy nhất được đưa ra là họ sử dụng tới 50% vật liệu tái chế (hoặc 20% cho các sản phẩm bông) trong sản xuất. Tuy nhiên, họ không đi sâu vào chi tiết về các loại mặt hàng mà họ tái chế, cách tái chế, cách sản xuất, tác động tới môi trường (dấu chân carbon) của các sản phẩm này so với các sản phẩm khác của H&M, hoặc thậm chí không có cả định nghĩa“bền vững” là gì. Rõ ràng với sự thật khác xa so với những câu từ được nhãn hàng này quảng cáo, đây có thể được nhận định là một trường hợp “tẩy xanh”
⁉️ “Bền vững” có thực sự bền vững?
❎Dù các vật liệu tự nhiên như cotton, lanh, visco, tre,… được các thương hiệu bền vững ưa chuộng vì đặc tính có thể phân hủy sinh học, chúng vẫn có những tác động lên môi trường và xã hội.
❎Ra mắt BST ‘Conscious, H&M liên tục nhấn mạnh quần áo trong BST “được làm từ vật liệu bền vững như organic cotton và polyester tái chế”. Việc đặt 2 loại chất liệu này vào trong mục “bền vững” có vấn đề rất lớn. Theo số liệu của Ecowatch.com, sợi polyester tiêu tốn đến gần 70 triệu thùng dầu mỗi năm để sản xuất và phải mất tới 200 năm để phân hủy. Hơn nữa, việc chế tạo loại sợi này còn thải ra ngoài môi trường khí N2O – loại khí độc hại hơn carbon dioxide hàng trăm lần. Và ngay cả organic cotton thì người ta cũng phải dùng hàng nghìn lít nước để sản xuất ra một bộ quần áo. Chưa kể lượng thuốc trừ sâu trong trồng trọt cây bông chiếm quá 10% lượng thuốc trừ sâu toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất đai và nguồn nước.
❎Đó thậm chí còn chưa đề cập đến các tác động xã hội của thời trang nhanh. Thời trang nhanh nổi tiếng về việc bóc lột lao động: các công nhân nhà máy quần áo được trả lương thấp và làm việc quá sức, và cũng có bằng chứng về lạm dụng tinh thần và thể chất trong các nhà máy. Vụ sụp đổ Rana Plaza năm 2013 tại Bangladesh đã nêu bật những điều kiện làm việc khủng khiếp của ngành công nghiệp thời trang nhanh, với hơn 1.300 người thiệt mạng khi một nhà máy sản xuất quần áo sụp đổ, H&M là một trong những thương hiệu được sản xuất tại nhà máy đó.
Thực trạng môi trường đáng báo động hiện nay gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh nghiêm khắc, nhắc nhở mỗi cá nhân, tập thể và cả cộng đồng về trách nhiệm đối với mái nhà chung. Những hành động thiết thực có thể bắt đầu từ những việc đơn giản nhất như dành vài phút để tìm hiểu về chiến dịch môi trường mà một thương hiệu đang truyền thông, liệu rằng họ có minh bạch và tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về sự bền vững. Nếu thông tin mơ hồ và thiếu sức thuyết phục, đừng ngần ngại đặt câu hỏi, phản hồi trực tiếp đến thương hiệu hoặc chia sẻ quan điểm trên mạng xã hội để cùng nhau làm rõ và cải thiện. Hành động này không chỉ giúp bản thân thương hiệu nhìn nhận lại, mà còn tạo ra áp lực từ cộng đồng, thúc đẩy họ hành động thực chất, thay vì chỉ chú trọng vào hình thức bên ngoài. Hãy tiếp tục lên tiếng trước bất kỳ những hành vi “tô xanh”, bởi lẽ, chính sự im lặng của người tiêu dùng chính là mảnh đất màu mỡ nhất để greenwashing tiếp tục tồn tại.

Nguồn: Hung Vuong Gifted School Model United Nations

Bạn cũng có thể thích..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *