Đề bài: Tuổi trẻ và cách tiếp cận thông tin trên mạng xã hội
Dàn ý NLXH bàn về Tuổi trẻ và cách tiếp cận thông tin trên mạng xã hội
A.Mở bài:
– Dẫn dắt vào vấn đề
– Giới thiệu vấn đề: Tuổi trẻ và
– Đặt câu hỏi gợi mở
B.Thân bài
1. Giải thích vấn đề
– Mạng xã hội là một hệ thống trực tuyến cho phép người dùng kết nối, tương tác và chia sẻ thông tin, hình ảnh, video …
– Ngày nay, mạng xã hội đã trở nên phổ biến và quen thuộc với giới trẻ thông qua các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok, Twitter và nhiều ứng dụng khác.
– Theo thống kê, thời gian trung bình mà một người trẻ dành cho mạng xã hội mỗi ngày là từ 2 đến 4 giờ, thậm chí có thể nhiều hơn.
– Mạng xã hội không chỉ cung cấp các thông tin giải trí mà còn là nơi cập nhật tin tức, sự kiện trong và ngoài nước, cung cấp các tài liệu học tập và mở ra nhiều cơ hội giao lưu, kết bạn.
2. Giải quyết vấn đề:
– Việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho giới trẻ.
+ Trước tiên, mạng xã hội giúp họ tiếp cận thông tin nhanh chóng và đa dạng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và kết nối internet, người trẻ có thể cập nhật tin tức, sự kiện trong và ngoài nước mọi lúc, mọi nơi. Điều này giúp họ không bị lạc hậu và luôn nắm bắt được những thông tin mới nhất.
+ Ngoài ra, mạng xã hội còn giúp giới trẻ mở rộng kiến thức và kỹ năng. Có rất nhiều khóa học trực tuyến, tài liệu học tập, video hướng dẫn được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội, giúp giới trẻ dễ dàng học hỏi và nâng cao kiến thức, kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, họ có thể học tiếng Anh qua các video trên YouTube, tham gia các khóa học lập trình trên facebook, hay tìm hiểu về lịch sử, văn hóa qua các bài viết trên Wikipedia.
+ Một lợi ích không thể bỏ qua của mạng xã hội là tạo cơ hội kết nối và giao lưu. Mạng xã hội giúp giới trẻ dễ dàng kết bạn, tham gia các cộng đồng, nhóm sở thích và thảo luận về những vấn đề mà họ quan tâm.
-Bên cạnh những lợi ích, việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội cũng đặt ra nhiều thách thức và rủi ro cho giới trẻ nhất là khi họ tiếp cận thông tin thiếu chọn lọc.
+ Một trong những vấn đề lớn nhất là thông tin sai lệch và tin giả. Mạng xã hội là nơi mà bất kỳ ai cũng có thể chia sẻ thông tin, dẫn đến tình trạng lan truyền thông tin không chính xác, thiếu kiểm chứng. Hơn nữa rất nhiều thông tin trên mạng xã hội hàm chứa nội dung độc hại, dụ dỗ, lôi kéo người tham gia như: phim ảnh khiêu dâm, lối sống trụy lạc, kích động bạo lực, khiêu khích chiến tranh, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo… Điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhận thức và hành động của người trẻ.
+ Việc tiếp cận thông tin không có chọn lọc có thể dẫn đến việc lan truyền tin giả và thông tin không chính xác. Mạng xã hội là môi trường mà bất kỳ ai cũng có thể đăng tải thông tin mà không cần phải qua kiểm chứng hay xác minh. Điều này dẫn đến việc lan truyền rộng rãi các tin tức giả mạo (fake news), thông tin không chính xác, thiếu tính minh bạch và có thể gây nhầm lẫn lớn cho cộng đồng.
+ Ngoài ra, mạng xã hội cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của giới trẻ. Các nội dung trên mạng xã hội thường tập trung vào những hình ảnh và câu chuyện thu hút sự chú ý bằng cách tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ. Sự so sánh bản thân với những người khác có thể dẫn đến cảm thấy không hài lòng với bản thân, gây ra stress, lo âu và trầm cảm.
+ Việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội có thể hưởng tiêu cực đến nhận thức của giới trẻ . Người dùng mạng xã hội nhất là những người trẻ tuổi thường dựa vào những thông tin họ thấy trên dòng thời gian để xây dựng quan điểm và hành động của mình. Nếu thông tin này không chính xác, nó có thể dẫn đến những quyết định sai lầm và ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân và xã hội.
– Dẫn chứng: Cuộc thi hoa hậu Việt Nam năm 2016.
3. Bàn luận mở rộng
– Một bộ phận giới trẻ ngày nay tiếp cận thông tin trên mạng xã hội rất thiếu chọn lọc:
+ Họ có thói quen tin tưởng và chia sẻ các thông tin mà họ đọc được trên mạng xã hội mà không xem xét đến nguồn gốc và tính chính xác của thông tin đó.
+ Họ thường xuyên chia sẻ các bài viết, tin tức mà không kiểm tra lại thông tin, dẫn đến việc lan truyền rộng rãi các thông tin không chính xác, thậm chí là gây hoang mang và lo lắng trong cộng đồng.
-Một số nước phát triển trên thế giới đã áp dụng biện pháp lọc nội dung nhạy cảm như khiêu dâm, tội phạm mạng, hoặc các nội dung khủng bố, phân biệt chủng tộc, chia rẽ tôn giáo để đảm bảo tính lành mạnh, chính xác về thông tin trên mạng xã hội cũng như bảo vệ người dùng.
– Tại Việt Nam, những năm gần đây, cơ quan an ninh mạng cũng đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế việc đăng tin thiếu lành mạnh. Tuy nhiên thật đáng buồn là vẫn có không ít những sự việc đáng tiếc xảy ra do giới trẻ tiếp cận thông tin trên mạng xã hội thiếu chọn lọc.
4. Giải pháp, bài học
+ Quan trọng nhất là giới trẻ cần học cách phân biệt thông tin đúng sai và kiểm chứng nguồn gốc trước khi tin tưởng và chia sẻ. Các nguồn tin uy tín như các trang tin tức có tên tuổi, tổ chức chính phủ, hoặc các nghiên cứu khoa học thường là các nguồn tin đáng tin cậy hơn.
+ Thay vì chia sẻ ngay lập tức các bài viết hoặc thông tin mà mình đọc được, giới trẻ nên dành thêm thời gian để đọc và suy ngẫm nội dung của chúng trước khi quyết định chia sẻ. Điều này giúp giảm thiểu sự lan truyền các thông tin không chính xác và tin giả.
+ Thay vì chỉ là người tiêu thụ thông tin, giới trẻ có thể chủ động tham gia vào việc tạo ra nội dung mang tính xây dựng và tích cực trên mạng xã hội. Việc lan truyền các thông điệp mang giá trị và sự chia sẻ các trải nghiệm tích cực sẽ giúp làm giàu thêm nội dung mạng xã hội.
C.Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề+ liên hệ bản thân
– Trích dẫn câu nói (nếu có)
Bài văn mẫu NLXH bàn về Tuổi trẻ và cách tiếp cận thông tin trên mạng xã hội
Trong thời đại công nghệ 4.0, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Đặc biệt, đối với giới trẻ, mạng xã hội không chỉ là nơi giao lưu, kết nối bạn bè mà còn là nguồn thông tin phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội như thế nào để hiệu quả và an toàn là một thách thức lớn đối với tuổi trẻ. Bài viết này sẽ làm rõ về lợi ích, thách thức và cách tiếp cận thông tin trên mạng xã hội của giới trẻ.
Để có thể bàn luận một cách sâu sắc về vấn đề này, trước hết ta cần hiểu mạng xã hội là một hệ thống trực tuyến cho phép người dùng kết nối, tương tác và chia sẻ thông tin, hình ảnh, video … Ngày nay, mạng xã hội đã trở nên phổ biến và quen thuộc với giới trẻ thông qua các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok, Twitter và nhiều ứng dụng khác. Theo thống kê, thời gian trung bình mà một người trẻ dành cho mạng xã hội mỗi ngày là từ 2 đến 4 giờ, thậm chí có thể nhiều hơn. Mạng xã hội không chỉ cung cấp các thông tin giải trí mà còn là nơi cập nhật tin tức, sự kiện trong và ngoài nước, cung cấp các tài liệu học tập và mở ra nhiều cơ hội giao lưu, kết bạn cho thế hệ trẻ.
Thực tế cho thấy việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội mang lại rất nhiều lợi ích đối với giới trẻ. Đầu tiên, mạng xã hội cung cấp cho họ khả năng tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và đa dạng. Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh kết nối internet, người trẻ có thể cập nhật tin tức và sự kiện từ khắp nơi trên thế giới, giúp họ luôn cập nhật những thông tin mới nhất mà không bị tụt hậu. Ngoài ra, mạng xã hội mở ra cho giới trẻ không gian rộng lớn để mở rộng kiến thức và kỹ năng. Trên các nền tảng này, có hàng ngàn khóa học trực tuyến, tài liệu học tập và video hướng dẫn, giúp họ dễ dàng học hỏi và nâng cao kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn như họ có thể học tiếng Anh qua các video trên YouTube, tham gia các khóa học lập trình trên Facebook, hoặc tìm hiểu về lịch sử và văn hóa thông qua các bài viết trên Wikipedia. Một lợi ích không thể bỏ qua của mạng xã hội là khả năng tạo ra cơ hội kết nối và giao lưu. Giới trẻ có thể dễ dàng kết bạn, tham gia vào các cộng đồng và nhóm sở thích, cũng như thảo luận về những vấn đề mà họ quan tâm, từ đó mở rộng mối quan hệ và trao đổi ý kiến một cách hiệu quả.
Bên cạnh những lợi ích, việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội cũng đặt ra nhiều thách thức và rủi ro cho giới trẻ nhất là khi họ tiếp cận thông tin thiếu chọn lọc. Một trong những vấn đề lớn nhất là thông tin sai lệch và tin giả. Mạng xã hội là nơi mà bất kỳ ai cũng có thể chia sẻ thông tin, dẫn đến tình trạng lan truyền thông tin không chính xác, thiếu kiểm chứng. Hơn nữa rất nhiều thông tin trên mạng xã hội hàm chứa nội dung độc hại, dụ dỗ, lôi kéo người tham gia như: phim ảnh khiêu dâm, lối sống trụy lạc, kích động bạo lực, khiêu khích chiến tranh, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo… Điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhận thức và hành động của người trẻ. Việc tiếp cận thông tin không có chọn lọc có thể dẫn đến việc lan truyền tin giả và thông tin không chính xác. Mạng xã hội là môi trường mà bất kỳ ai cũng có thể đăng tải thông tin mà không cần phải qua kiểm chứng hay xác minh. Điều này dẫn đến việc lan truyền rộng rãi các tin tức giả mạo (fake news), thông tin không chính xác, thiếu tính minh bạch và có thể gây nhầm lẫn lớn cho cộng đồng. Ngoài ra, mạng xã hội cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của giới trẻ. Các nội dung trên mạng xã hội thường tập trung vào những hình ảnh và câu chuyện thu hút sự chú ý bằng cách tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ. Sự so sánh bản thân với những người khác có thể dẫn đến cảm thấy không hài lòng với bản thân, gây ra stress, lo âu và trầm cảm. Việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội cung có thể hưởng tiêu cực đến nhận thức của giới trẻ . Người dùng mạng xã hội nhất là những người trẻ tuổi thường dựa vào những thông tin họ thấy trên dòng thời gian để xây dựng quan điểm và hành động của mình. Nếu thông tin này không chính xác, nó có thể dẫn đến những quyết định sai lầm và ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân và xã hội.
Từ sự việc ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2016, ta có thể thấy rõ những hệ quả của việc tiếp cận thông tin thiếu chọn lọc từ mạng xã hội. Trước đó, chiểu theo tiêu chí cuộc thi, một thí sinh đã phải dừng bước do bọc răng sứ, sau đó một hoa hậu đã lên tiếng trên trang facebook riêng cho rằng Ban tổ chức thiếu công bằng, đồng thời đăng tải hình ảnh của một người đẹp khác có hàm răng trắng bóng với nghi vấn thí sinh này cũng có thể đã can thiệp thẩm mỹ về răng. Chộp được thông tin, hàng loạt báo mạng đã có nhiều bài “ăn theo” những chia sẻ cá nhân nêu trên với cách giật tít ỡm ờ, quy chụp, thiếu kiểm chứng thông tin khiến không ít người đọc bán tín bán nghi về vẻ đẹp tự nhiên của thí sinh trong ảnh. Vụ việc nêu trên đã cho thấy sức nóng của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, song một mặt cũng phản ánh lối thông tin dễ dãi của các phương tiện truyền thông mạng theo kiểu “ăn theo”, bất chấp hậu quả. Đáng báo động hơn là cách thông tin này đang có xu hướng trở nên phổ biến trong xã hội ngày nay. . (Sưu tầm và biên soạn: Nguyễn Thị Thắm)
Tuy nhiên một thực tế đáng lo ngại là một bộ phận giới trẻ ngày nay đang tiếp cận thông tin trên mạng xã hội rất thiếu chọn lọc. Họ có thói quen tin tưởng và chia sẻ các thông tin mà họ đọc được trên mạng xã hội mà không xem xét đến nguồn gốc và tính chính xác của thông tin đó. Họ thường xuyên chia sẻ các bài viết, tin tức mà không kiểm tra lại thông tin, dẫn đến việc lan truyền rộng rãi các thông tin không chính xác, thậm chí là gây hoang mang và lo lắng trong cộng đồng.
Một số nước phát triển trên thế giới đã áp dụng biện pháp lọc nội dung nhạy cảm như khiêu dâm, tội phạm mạng, hoặc các nội dung khủng bố, phân biệt chủng tộc, chia rẽ tôn giáo để đảm bảo tính lành mạnh, chính xác về thông tin trên mạng xã hội cũng như bảo vệ người dùng. Tại Việt Nam, những năm gần đây, cơ quan an ninh mạng cũng đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế việc đăng tin thiếu lành mạnh. Tuy nhiên thật đáng buồn là vẫn có không ít những sự việc đáng tiếc xảy ra do giới trẻ tiếp cận thông tin trên mạng xã hội thiếu chọn lọc.
Vậy giới trẻ cần nhận thức và hành động như thế nào trước hiện tượng bão thông tin trên mạng xã hội? Việc quan trọng nhất là giới trẻ cần học cách phân biệt thông tin đúng sai và kiểm chứng nguồn gốc trước khi tin tưởng và chia sẻ. Các nguồn tin uy tín như các trang tin tức có tên tuổi, tổ chức chính phủ, hoặc các nghiên cứu khoa học thường là các nguồn tin đáng tin cậy hơn. Thay vì chia sẻ ngay lập tức các bài viết hoặc thông tin mà mình đọc được, giới trẻ nên dành thêm thời gian để đọc và suy ngẫm nội dung của chúng trước khi quyết định chia sẻ. Điều này giúp giảm thiểu sự lan truyền các thông tin không chính xác và tin giả. Các bạn trẻ cũng có thể chủ động tham gia vào việc tạo ra nội dung mang tính xây dựng và tích cực trên mạng xã hội. Việc lan truyền các thông điệp mang giá trị và sự chia sẻ các trải nghiệm tích cực sẽ giúp làm giàu thêm nội dung mạng xã hội.
Có thể nói mạng xã hội không chỉ là nơi giới trẻ tiếp nhận thông tin, mà còn là nền tảng để họ tạo dựng, chia sẻ kiến thức và kết nối với thế giới. Với sự thông minh và sáng tạo của tuổi trẻ, chúng ta hãy biến những trang sách số thành nguồn tri thức vô tận để mở rộng tầm nhìn của mình, mang lại những cống hiến có ý nghĩa cho cộng đồng xã hội.