ĐỀ BÀI: Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về câu nói “Thúc đẩy thượng tôn pháp luật là nền tảng quan trọng trong việc bảo vệ và duy trì hoà bình trong nước và ngoài nước”
I. Mở bài
“Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đoá hướng dương”
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây trắng”
Sống biết bảo vệ và trân trọng nền hoà bình cúng chính là khi ta sẵn sàng ươm trồng những hạt giống của niềm tin và hi vọng, của trách nhiệm và lý tưởng, để rồi một ngày không xa, những hạt giống ấy sẽ đơm hoa, kết trái, sẽ phả những hương thơm ngát đến đời.Ta sống không chỉ đơn nhất, mà ta sống vì cộng đồng, vì cái “ta” chung. Có bao giờ ta ngân nga tự hỏi “ hoà bình có đẹp không?”. Hoà bình đẹp chứ, bởi vậy, để gìn giữ nền hoà bình ấy, thúc đẩy thương tôn pháp luật là nền tảng quan trọng mà mỗi chúng ta cần ý thức tạo dựng một cách nhanh chóng và cấp thiết.
II. Thân bài
1.Giải thích
“Thượng tôn pháp luật là nền tảng cho tất cả các quyền cơ bản của chúng ta”. Nếu con người là cánh buồm đi tìm tự do, thì pháp luật sẽ là dòng nước tĩnh lặng giữ cho con thuyền khỏi lạc trôi vào hỗn loạn. Thượng tôn pháp luật là tôn trọng, chấp hành, tuân thủ theo luật pháp mà Nhà nước ban hành; là đề cao, tôn vinh và sẵn sàng tuân theo dưới mọi hình thức. Hai chữ “thượng tôn”ấy cũng đủ mang theo một giọng điệu đầy hào hùng với niềm tự hào khôn xiết. Pháp luật như mặt đất dưới chân – có thể ta ít khi để ý tới nó, nhưng chính nó giữ cho bước đi con người không chông chênh giữa vực thẳm của ích kỉ và tham vọng.
2 . Biểu hiện – Thực trạng
Thượng tôn pháp luật không phải điều gì quá xa vời, mà bắt đầu từ những điều rất nhỏ, rất gần – như cách một học sinh dừng lại khi đèn đỏ, hay một lớp học đứng nghiêm khi chào cờ, thực hiện nghiêm túc “5 điều Bác Hồ dạy”. Những hành động nhỏ ấy chính là biểu hiện của ý thức sống trong khuôn khổ, tôn trọng lẽ phải.
Và trong những thời khắc thiêng liêng, như ngày kỉ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, hình ảnh các chiến binh tập duyệt trong đội ngũ chỉnh tề, đi giữa vòng tay nhân dân, đi trong sự hân hoan và chào đón – đó là biểu tượng đầy xúc động cho một đất nước biết gìn giữ kỉ cương, biết tôn trọng luật pháp bằng tất cả niềm kiêu hãnh và biết ơn. Thượng tôn pháp luật không đơn thuần chỉ giữ cho xã hội ngăn nắp, mà sẽ còn nuôi dưỡng lòng nhân ái. Khi pháp luật được tôn trọng, con người cảm thấy an toàn để sống tử tế với nhau. Để từ đó, những giá trị như yêu thương, sẻ chia, quan tâm, giúp đỡ người yếu thế, “lá lành đùm là rách: không chỉ là đạo lí dân tộc, mà còn là thành quả của một xã hội có nền tảng pháp lí vững chắc.
3. Ý nghĩa
Thượng tôn pháp luật như nền tảng vững chắc, tạo nên một xã hội công bằng và văn minh, giống như những viên gạch xếp ngay ngắn để dựng nên một ngôi nhà bền vững. Nó không chỉ hình thành những đức tính tốt như kỉ luật, chăm chỉ và nghị lực, mà còn thắp lên ngọn lửa gắn kết giữa con người với nhau. Mỗi cá nhân biết thượng tôn pháp luật cũng là đang tự giáo dục bản thân, sống tích cực hơn, sống có định hướng và biết đâu là giới hạn để không vượt qua. Từ khuôn khổ ấy, tình người nảy nở: sự gắn kết cộng đồng trở nên bền vững, người biết sống đúng sẽ được yêu quý, trở thành tấm gương sáng giữa xã hội. Đó là vẻ đẹp bền vững của một nền hòa bình không chỉ yên ổn, mà còn đầy lòng nhân ái và sự tử tế. Như cựu chiến binh Quách Minh Sơn từng nói “Tự do, hòa bình không phải dễ, có được bây giờ cố gắng mà giữ”. Hòa bình ấy chính là thành quả quý giá nhất mà thượng tôn pháp luật mang lại – một vẻ đẹp không ồn ào nhưng sáng mãi trong tâm thức của bao thế hệ.
4. Làm thế nào để “Thượng tôn pháp luật”?
Để thực sự thượng tôn pháp luật, mỗi cá nhân cần bắt đầu từ những bước cơ bản, như việc học về luật pháp cơ bản, hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ pháp lí, Việc này như việc trang bị cho mình chiếc la bàn, giúp ta luôn đi đúng hướng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, ta cần thường xuyên theo dõi thời sự để nắm bắt tình hình quốc gia, hiểu rõ các vấn đề đang diễn ra trong xã hội. Từ đó giúp mỗi người không chỉ sống trong thế giới cá nhân mà còn nhận thức được vai trò của mình trong xã hội chung. Và cuối cùng là ta cần có tư duy phản biện, vốn hiểu biết và nhận thức đúng đắn, từ đó biết trân trọng và nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của pháp luật. Pháp luật không phải là rào cản, mà là ánh sáng dẫn đường cho sự bền vững của xã hội. Chỉ khi thấu hiểu điều này, thượng tôn pháp luật không chỉ là nghĩa vụ mà trở thành trách nhiệm tự nhiên, gắn bó với mỗi người trong cuộc sống hàng ngày.
5. Lên án phê phán và Nếu ko, Nếu quá
Nếu ta không nghiêm chỉnh chấp hành quy định luật pháp. xã hội sẽ như một chiếc đồng hồ vỡ bộ máy – mọi thứ rối loạn, lòng tin mai một, bất công sinh sôi. Khi con người coi thường luật pháp, hành động chỉ theo cảm tính hoặc lợi ích cá nhân, trật tự sẽ xói mòn và hòa bình trở nên mong manh. Nhưng nếu ta quá thượng tôn pháp luật một cách cực đoan, cứng nhắc, tuyệt đối tới mức vô cảm, con người có thể đánh mất sự linh hoạt và lòng bao dung – hai yếu tố không thể thiếu để duy trì một xã hội công bằng và nhân văn. Pháp luật là khuôn vàng thước ngọc, nhưng người áp dụng nó cần có trái tim rung động và đôi mắt thấu cảm.
6. Liên hệ bản thân
Có những lúc em từng nghĩ pháp luật là những dòng chữ khô khan, xa rời trong đời sống học sinh. Nhưng rồi càng lớn lên, càng va chạm với cuộc sống em mới hiểu: pháp luật giống như hàng rào mộc nhưng vững chãi, không để ràng buộc con người mà là để bảo vệ những điều đúng đắn. Là một học sinh, em học cách thượng tôn pháp luật từ những điều nhỏ bé như xếp hàng ngay ngắn, không xả rác nơi quy định, lắng nghe và tôn trọng nội quy trường lớp. Mỗi khi làm điều đúng đắn, em cảm thấy như mình đang góp một viên gạch cho ngôi nhà chung của xã hội, nơi mọi người được sống trong trật tự và yên bình. Sống theo pháp luật không mất đi sự tự do, mà ngược lại pháp luật cho tôi một sự tự do sâu sắc hơn, tự do của người hiểu giới hạn và biết giữ mình trong lẽ phải.
III. Kết bài
Thượng tôn pháp luật chính là một nền tảng vững chắc, là thước đo chuẩn mực xã hội, là điều kiện tiên quyết mà mỗi công dân cần tuân thủ và noi theo. Có sự thượng tôn pháp luật, là có được nền thái bình thịnh trị, dân giàu nước mạnh…Chúng ta – những người trẻ đang sống trong một xã hội mà sự thượng tôn pháp luật được đề cao, được tuân theo một cách nghiêm ngặt và chặt chẽ. Hãy yêu lấy nền hoà bình, hãy trên trọng nó, hãy sống có ích và gom góp, dựng xây cho đời những điều tốt đẹp.