Đề bài: Bàn luận về tác hại của hiện tượng sống ảo ở giới trẻ ngày nay
Dàn ý NLXH bàn luận về tác hại của hiện tượng sống ảo ở giới trẻ ngày nay
*Yêu cầu về hình thức: Bài văn nghị luận
*Yêu cầu về nội dung: nghị luận về tác hại của hiện tượng sống ảo ở giới trẻ ngày nay
Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận (Tác hại của sống ảo)
Bạn là một người trẻ thuộc thế hệ GEN Z giống như tôi? Xin hỏi, mỗi ngày bạn dành bao nhiêu thời gian cho các mạng xã hội như facebook, instagram, tiktok… Nói cách khác, mỗi ngày bạn dành bao nhiêu thời gian cho việc “sống ảo” trên các ứng dụng mạng xã hội? Bạn có biết bạn được gì và mất gì khi “sống ảo” không? Liệu chúng ta sống thật như thế nào và sống ảo ra sao để có thể cân bằng cuộc sống của mình?
Thân đoạn: Trình bày cụ thể tác hại của việc sống ảo.
– Giải thích: Sống ảo là lối sống, phong cách sống không giống với hoàn cảnh thực của con người ở trên mạng xã hội. Thậm chí lối sống ấy được giới trẻ thể hiện có phần thái quá, lố bịch. Sống ảo cũng có nghĩa là mơ tưởng, ảo tưởng về cuộc sống hiện tại. Nó đã trở thành một xu thế, một trào lưu trong xã hội hiện nay. Các bạn trẻ sống ảo ngày càng nhiều. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các hiện tượng sống ảo trên facebook, instagram, zalo,..
– Biểu hiện:
+ Hiện nay, với sự phát triển của mạng Internet, rất nhiều mạng xã hội ra đời, là nơi để các bạn trẻ giao lưu như; Facebook, Instagram, Zalo, SnapChat,… thu hút một lượng lớn các bạn trẻ tham gia.
+ Xây cho mình những cái vỏ tuyệt vời, là nơi để thỏa sức thể hiện bản thân, bằng cách khoe khoang sự giàu có, sự hạnh phúc, phô bày vẻ đẹp của bản thân, để được sự chú ý.
+ Ai cũng tự tin bày tỏ quan điểm ý kiến, sẵn sàng chửi rủa lăng nhục, cười nhạo một cá nhân nào khác, để lại những tổn thương tâm lý sâu sắc cho nạn nhân, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến nạn nhân, chán chường, trầm cảm, tự tử.
+ Tạo scandal, phát ngôn gây sốc để nổi tiếng, chia sẻ những thông tin phản cảm, văn hóa phẩm đồi trụy một cách tràn lan mà chẳng quan tâm ai sẽ bắt gặp chúng, họ chỉ cần biết mình được tung hô, tán tụng, được bao nhiêu “like”, bao nhiêu “comment”, còn ai như nào không cần quan tâm.
– Nguyên nhân:
+ Nguyên nhân chủ quan: Nhiều bạn trẻ thích thể hiện bản thân, hành vi của họ là để bù đắp cho sự thiếu tự tin ngoài thực tế. Nói cách khác, họ muốn được yêu thương, ngưỡng mộ, chấp nhận thông qua việc đăng những ảnh mà họ cho rằng sẽ khiến họ trở nên hấp dẫn hơn, và theo kịp thời đại. Suy cho cùng, sống “ảo” là hệ quả của việc sống thiếu bản lĩnh, thói quen mong hưởng thụ nhiều hơn cố gắng. Các bạn có thể ngồi hàng giờ để nhắn tin với những người mới quen mà quên đi các bạn của mình. Đã gọi là thế giới ảo thì cuộc sống trong đó vô cùng đẹp và hấp dẫn. Mỗi người có thể xây dựng một ngôi nhà tuyệt đẹp trên đó và có rất nhiều người gọi là bạn.
+Nguyên nhân khách quan: Do sự phát triển ồ ạt của mạng xã hội, do công nghệ hiện đại và nhiều chức năng được khai thác trên các phần mền đã khiến con người, đặc biệt là giới trẻ chìm đắm mà không thể thoát ra được. Do chưa có nhiều biện pháp giáo dục và can thiệp của các ban ngành xã hội đẻ có những giải pháp kịp thời trước việc nghiện mạng xã hội của con người hiện nay.
– Hậu quả:
+ Ảnh hưởng đến sức khỏe: Việc sử dụng điện thoại quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến thị lực của mắt, khiến con người trở nên mệt mỏi và có thể dẫn đến các vấn đề về tâm lý. Ví dụ như trường hợp tự tử vì bị chế giễu trên mạng xã hội hoặc những vụ nổ điện thoại khi sử dụng quá mức…
+ Làm tốn nhiều thời gian: Có một số người sử dụng mạng xã hội là công cụ để tìm kiếm thông tin, kiếm tiền hay giải trí. Tuy nhiên, lại rất ít người có thể sử dụng mạng xã hội một cách có khoa học và không có kiểm soát. Họ thường sa đà vào những tin tức không chính thống, hoặc dành quá nhiều thời gian để lướt màn hình điện thoại một cách vô bổ. Điều đó khiến chúng ta không còn thời gian dành cho những việc có ích khác, cho học tập, cho gia đình, bạn bè. Kết quả học tập đi xuống, các mối quan hệ dần trở nên xa cách một phần cũng vì sống ảo.
+ Tiếp cận những thông tin không lành mạnh: Trên các trang mạng xã hội luôn đầy rẫy những thông tin, hình ảnh không lành mạnh. Đó có thể là những hình ảnh đồi trụy không phù hợp với lứa tuổi, thông tin lừa đảo hay những thông tin về chính trị mang tính phản động. Những hình ảnh và thông tin như vậy rất dễ ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách con người.
+ Xa rời những mối quan hệ hiện thực: Việc quá chú tâm vào những người bạn ảo sẽ khiến bạn xa rời thực tế, bỏ rơi những người thân thiết, yêu thương bạn. Vì quá chú tâm vào thế giới ảo nên khiến nhiều người trở nên thờ ơ, lạnh nhạt với nhau hơn. Khi gặp hỏa hoạn hay tại nạn người ta vẫn “vô tư” livestream trên facebook để câu tương tác.
+Dẫn chứng: Có không ít những câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra khi bạn trẻ sống ảo quá mức. Có những người làm quen qua mạng một cô gái rất xinh nhưng khi gặp ngoài đời thực thì lại quá thất vọng vì những bức ảnh trên mạng chỉ là “sống ảo”
– Rút ra bài học:
+ Hãy để mạng XH dừng lại ở mức là món ăn tinh thần, là phương tiện kết nối bạn bè, đem lại lợi ích thật.
+ Hãy thôi sống ảo, bắt đầu tin tưởng vào bản thân, hướng cuộc sống của bạn đến với những giá trị có ích cho bản thân và xã hội. Đừng để đến khi cuộc sống ảo hoàn toàn thay thế và làm chủ cuộc sống thật của bạn.
+ Dành thời gian cho những việc có ích, sống hoà đồng, quan tâm giúp đỡ những người xung quanh bởi đó mới chính là cuộc sống của bạn.
Kết bài: Khẳng định sống ảo, gây ra rất nhiều tác hại
Các bạn ạ, mặc dù mạng xã hội mang đến nhiều lợi ích nhưng hãy sử dụng mạng xã hội và sống ảo một cách khoa học để không làm xáo trộn cuộc sống thực tại và cuộc sống ảo. Sống ảo có thể coi là một căn bệnh khó chữa, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và tinh thần của giới trẻ. Vậy nên mỗi người cần có lối sống lành mạnh, không quá bị thu hút bởi mạng xã hội. Sống ảo là một hiện tượng không xấu nếu như chúng ta biết chừng mực. Hãy tỉnh táo và hãy sống thực tế hơn là sống ảo!